Tin mới

Tìm hiểu về tai nghe Custom In-Ear Monitor (Phần 2)

Vì được đặt làm riêng, tai nghe Custom In-Ear Monitor (CIEM) thường mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng trước khi tới tay người dùng. Tại sao lại mất nhiều thời gian đến như vậy?

Tìm hiểu về tai nghe Custom In-Ear Monitor (Phần 2) ảnh 1 Làm tai nghe Custom như thế nào?

Loại tai nghe CIEM được làm theo khuôn tai người dùng, nên việc đầu tiên tất nhiên là phải gửi được mẫu tai đó tới hãng sản xuất. Trước tiên, người dùng sẽ tới các phòng khám tai để "lấy mẫu tai" (ear impression). Công việc lấy mẫu tai này cũng khá đơn giản, khách hàng sẽ ngồi im trên ghế, bác sĩ dùng xi-lanh bơm một hợp chất silicone vào trong tai. Một lớp bông nhỏ được đặt vào phía trong tai để ngăn silicone này dính vào màng nhĩ. Sau khoảng 15-20 phút, hợp chất này cứng lại và ta có một miếng cao su giống với cấu trúc tai trong. Quy trình này thường không đau nếu làm đúng cách. 2 mẫu tai trái/phải cần được làm sạch, đóng gói và mang tới địa điểm nhận đặt làm tai nghe của các hãng, thường là đại lý ủy quyền của họ. Tại đây, các yêu cầu chi tiết của khách hàng được ghi nhận (theo các cấp độ tùy chọn mà nhà sản xuất có thể cung cấp) trong một thỏa thuận đặt hàng dạng hợp đồng bao gồm khoản phí đặt trước (tùy cấp độ yêu cầu của khách hàng). Sau đó, cả 2 mẫu tai trái/phải được đóng hộp cùng hợp đồng và chuyển đến nhà sản xuất.

Tìm hiểu về tai nghe Custom In-Ear Monitor (Phần 2) ảnh 2 Lẫy mẫu tai bằng hỗn hợp Silicone.

Ở bộ phận sản xuất tai nghe CIEM của hãng, các chuyên gia sẽ tạo khuôn để đúc phần vỏ của tai nghe dựa theo khuôn tai mà người dùng đã gửi tới. Phần vỏ này thường được làm bằng nhựa Acrylic (loại nhựa dùng làm thước kẻ học sinh) hay Silicone. Các thành phần bên trong như màng loa, phân tần, các bộ dây và cổng nhận tín hiệu sẽ được kiểm soát một cách cẩn thận theo nội dung đặt hàng trước khi hãng lắp ghép phần mặt ngoài (faceplate) vào. Một số hãng thậm chí còn làm loại vỏ đặc, tức là dính các phần vào với nhau bằng nhựa luôn chứ không làm nhiều công đoạn nữa. Các tai nghe làm bằng Acrylic sẽ cứng hơn, vậy nên cũng dễ trang trí hơn loại làm bằng Silicone. Nhưng Silicone lại mềm hơn nên đeo có phần thoải mái hơn khi đeo.

Tìm hiểu về tai nghe Custom In-Ear Monitor (Phần 2) ảnh 3 Màng loa thường dùng trong tai nghe loại này là Balance Armature, chúng nhỏ hơn loại Dynamic truyền thống. Các đường âm được đặt từ màng loa tới thẳng phần ống ngoài của tai. Trên các tai nghe cao cấp, phần ống âm này còn được làm bằng Titan nhằm tăng chất lượng âm thanh. Hãng tai nghe Nhật Fitear rất nổi tiếng trong việc làm ống âm bằng Titan. Mới đây một hãng mới nổi của Việt Nam là Soranik cũng bắt đầu thử nghiệm với công nghệ này và đạt được kết quả tích cực ban đầu. Cũng có một số tai nghe CIEM được làm bằng màng Dynamic, nhưng do đặc tính chịu ảnh hưởng nhiều bởi nơi đặt, nên màng Dynamic sẽ cho chất âm không đồng đều giữa các tai nghe. Chính vì vậy nên khi làm tai nghe dạng này, hãng vẫn sử dụng thêm các loa Balance Armature khác để cân bằng âm thanh.

Tìm hiểu về tai nghe Custom In-Ear Monitor (Phần 2) ảnh 4 Màng loa Balance Armature với ưu điểm nhỏ gọn. Sau khi được kiểm tra các chỉ số âm thanh bằng máy đo đặc biệt và tinh chỉnh kỹ lưỡng thì các tai nghe này sẽ được đóng hộp để gửi tới người đặt hàng. Thông thường những quy trình này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 1-2 tháng, tùy vào hãng sản xuất. Khi tới tay người dùng, nếu như tai nghe không khít hoàn toàn thì người nghe sẽ phải gửi trả về hãng để làm lại từ đầu, hoặc mài dũa mất thêm thời gian nữa. Vậy nên những ai đã đặt được một cặp tai nghe CIEM thường rất quý và giữ gìn chúng.

Các ứng dụng khác

Với giá đặt hàng không hề rẻ, tai nghe CIEM vẫn chỉ là giấc mơ của nhiều audiophile. Vậy nên các hãng cũng cung cấp một vài dịch vụ khác để mọi người đều có thể tiếp cận những lợi ích từ loại tai nghe này.

Nếu như đã có một chiếc tai nghe dạng phổ thông, muốn có vỏ là tai Custom thì sao? Các hãng sẽ bỏ đi lớp vỏ của tai nghe đó và thay bằng vỏ được đổ khuôn theo cấu trúc tai của người dùng. Quy trình này được gọi là "Reshell" và có giá chỉ từ 2,5-5,5 triệu đồng - khá giá rẻ so với các tai nghe CIEM hoàn toàn. Tuy vậy, các tai nghe sau khi được Reshell sẽ có sự thay đổi trong chất âm vì cấu trúc vỏ, hành trình âm từ loa tới tai cũng đã có sự thay đổi. Reshell cũng sẽ làm giảm tuổi thọ của tai nghe nếu như không được làm đúng cách.

Tìm hiểu về tai nghe Custom In-Ear Monitor (Phần 2) ảnh 5 Chiếc UE Fi10 được đập vỏ để làm thành tai Custom Vậy không muốn đập bỏ chiếc tai nghe cũ thì sao? Nhiều hãng đã bắt đầu làm "mút tai Custom". Loại mút tai này được làm theo khuôn tai của người dùng, nhưng sẽ lắp đè lên chiếc tai nghe cũ, không cần phải đập bỏ đi lớp vỏ cũ của tai nghe. Độ cách âm cũng sẽ không thể bằng được các tai nghe CIEM thực sự, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều các loại mút tròn thường thấy. Dịch vụ này cũng có giá hơn 2 triệu đồng, không đắt như một cặp tai nghe đặt riêng nhưng cũng không rẻ.

Tìm hiểu về tai nghe Custom In-Ear Monitor (Phần 2) ảnh 6 Chiếc IE800 của Sennheiser chuẩn bị được “đưa lên bàn mổ” để thành tai custom.

Tìm hiểu về tai nghe Custom In-Ear Monitor (Phần 2) ảnh 7 Mút tai đặt riêng trên chiếc 233 của Phonak.

Một trong những ứng dụng khác của cách làm tai nghe này là dùng cho các sản phẩm trợ thính. Những người không may bị khuyết tật về thính giác sẽ phải đeo một chiếc tai nghe để giúp họ nghe dễ hơn. Họ phải đeo chúng gần như suốt ngày, nên sự thoải mái được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, các hãng thường cung cấp tai trợ thính dưới dạng CIEM, nhằm đem lại sự thoải mái cao nhất cho người dùng.

Tìm hiểu về tai nghe Custom In-Ear Monitor (Phần 2) ảnh 8 Một chiếc tai trợ thính dạng CIEM.

Minh Đức