Tin mới
Ortofon SPU Royal GM MK II - Tôn vinh và nâng tầm giá trị dòng kim huyền thoại
Với lịch sử hơn 100 năm tồn tại, rõ ràng thương hiệu Ortofon của Đan Mạch đã trở thành sản phẩm không thể thiếu đối với những người yêu thích chất âm analog của chiếc đĩa than thần thoại, bất chấp dòng nhạc số đang ngày càng thịnh hành và được cải tiến vượt bậc về mặt kỹ thuật.
Đặc biệt, cũng không có nhà sản xuất nào duy trì một dòng sản phẩm kim phono lâu dài trong suốt nhiều năm như Ortofon, với dòng kim SPU danh tiếng tồn tại và phát triển theo từng giai đoạn suốt 60 năm qua. Từ khi ra đời, SPU đã được các công ty truyền thông trên thế giới sử dụng rộng rãi và được mọi người biết đến là hệ thống MC phono đầu tiên của Ortofon được tích hợp trong một chiếc hộp nhỏ xíu màu đen, dù khi đó chỉ phát được tín hiệu mono.
Câu chuyện sản phẩm 60 năm
Trở lại thời điểm ra đời năm 1958, Ortofon SPU dường như không có đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất kim dành cho đầu đĩa than vì nó đã đi trước các đối thủ. Ngày nay, SPU vẫn giữ được một chất âm của riêng mình và làm hài lòng bất cứ ai sở hữu chúng, đặc biệt đối với những audiophile sở hữu hệ thống gồm các thiết bị cổ dùng đèn điện tử hoặc loa còi và loa có thùng cộng hưởng.
Theo các kỹ sư của Ortofon, không có dòng sản phẩm kim nào trong suốt nửa thế kỷ qua khiến họ phải quan tâm nhiều đến việc tôn trọng âm thanh gốc khi cải thiện dữ liệu kỹ thuật, như dòng SPU. Vì vậy, dù đã trải qua 60 năm nhưng khách hàng vẫn có thể thấy được sự nguyên bản trong thiết kế, cũng như các yếu tố cơ bản trong việc tạo dựng và giữ nguyên vẹn mạch từ ở các dòng sản phẩm sau này.
Tiêu chuẩn "kim âm thanh nổi"
Thuật ngữ “SPU” là từ viết tắt của “stereo pick-up” vì các đầu kim phono được gọi là “pick-up” trong những năm 1950 và 1960. SPU ban đầu được giới thiệu để đáp ứng nhu cầu tái tạo các bản ghi âm thanh nổi mới ra đời. Dựa trên kinh nghiệm và công nghệ tích lũy trong suốt 10 năm sản xuất dòng kim mono của Ortofon, SPU đã lập tức thiết lập nên tiêu chuẩn cho các ứng dụng chuyên nghiệp cũng như cho audiophile toàn thế giới.
Ông Gudmandsen, một trong những kỹ sư hàng đầu của Ortofon khi đó, đã tham gia vào việc phát triển dòng kim này. 10 năm trước đó, Gudmandsen đã tham gia sâu vào hệ thống kim MC cơ bản của Ortofon. Tất nhiên khi đó ông không có được sự trợ giúp của các phòng thí nghiệm hoặc công xưởng hiện đại đã tạo nên cơ ngơi như ngày nay của Ortofon. Tuy nhiên, sự tinh tế của ông trong việc tái tạo âm thanh cũng như cảm nhận của một thiên tài đã cho phép Gudmandsen đã tạo ra một dòng sản phẩm kim phono đứng vững trên thị trường trước sự cạnh tranh khốc liệt của bao đối thủ từ đó đến nay. Được thiết kế chủ yếu bởi Gudmansen, kim MC hai kênh của Ortofon có một thân kim bằng nhôm ngắn hơn, đơn giản hơn và giảm đáng kể khối lượng thông qua việc sử dụng các cuộn dây nhỏ hơn nhờ quấn ít vòng hơn. Do đó, SPU tạo ra điện áp tín hiệu ít hơn đáng kể so với dòng kim mono trước đó của nó.
Ortofon SPU đã thành công ngay lập tức và hơn thế nữa, trong những năm sau khi được giới thiệu, trong khi Robert Gudmansen và các kỹ sư của Ortofon đã thiết kế các dòng kim mới hơn và tốt hơn nhưng nhu cầu của người tiêu dùng đối với SPU không bao giờ chấm dứt. Nó vẫn luôn là thiết bị cốt lõi của những người chơi đĩa than, đặc biệt là ở thị trường Nhật Bản, những người luôn tâm niệm không có loại kim nào qua mặt được SPU của Ortofon!
Song song với bước tiến này, Ortofon cũng đã phát triển một loại đầu cắt âm thanh nổi để thực hiện các bản ghi âm master, cũng như chế tạo các sản phẩm khác như phono box hoặc mâm đĩa than nhằm thiết lập các tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực này vào thời điểm đó. Một điều quan trọng khác cần nhớ là Ortofon trong và sau chiến tranh Thế giới thứ hai đã từng chế tạo máy phun bạc đĩa sơn mài và thiết bị mạ điện niken tốc độ cao để sản xuất các bản ghi âm. Đây là yếu tố rất quan trọng vì dựa trên các công nghệ từ quy trình sơn niken, Ortofon đã áp dụng vào việc sản xuất dòng kim SPU như một phần rất cơ bản. Yếu tố này bao gồm thân kim và phần lõi mà hãng tin chắc rằng chưa từng bị bất kỳ một nhà sản xuất kim phono nào khác vượt qua.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển suốt 60 năm này, Ortofon đã giới thiệu rất nhiều dòng kim SPU nổi tiếng như SPU Gold và Gold Reference (ra đời năm 1980); dòng SPU Meister (năm 1992); SPU Royal và SPU Royal GM (năm 1998); SPU 85th Anniversary (2003, được sản xuất giới hạn 500 chiếc); SPU 90th Anniversary (2008); SPU Collector box (2011); SPU 95th Anniversary (2014); SPU Wood A (2017) và gần đây nhất là siêu phẩm The SPU Century. Trong số báo này, chúng tôi sẽ giúp những độc giả yêu thích chất âm analog có cái nhìn rõ hơn về dòng kim SPU của Ortofon thông qua một buổi trải nghiệm kim SPU Royal GM MK II.
Kết cấu kỹ thuật và chất âm
Đây là mẫu sản phẩm được ra mắt vào năm 1998 nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Ortofon. Dù chưa phải dòng kim xuất sắc nhất của Ortofon nhưng theo các kỹ sư của hãng, kim SPU Royal GM MK II có thể giúp những bản ghi âm tái hiện bản chất của âm thanh analog một cách trung thực nhất. Điểm kỹ thuật quan trọng nhất của SPU Royal GM MK II chính là việc được trang bị đầu stylus Replicant 100. Đầu stylus Replicant 100 được chọn sử dụng cho những thiết kế cartridge đỉnh nhất của Ortofon, chất liệu kim cương được mài và đánh bóng theo kỹ thuật đặc biết giúp tạo nên mũi kim nhẹ, mỏng nhưng tăng cường bề mặt tiếp xúc với rãnh đĩa than. Thiết kế này đảm bảo khả năng tái tạo âm thanh rộng mở và chi tiết giúp người nghe có được những trải nghiệm “live” hơn, bên cạnh màu âm thuần analog vốn có trước đây của dòng kim SPU.
Bên trong SPU Royal GM MK II còn tích hợp các cuộn dây electrum, một hợp kim của vàng và bạc (ngoài ra có thể có một ít đồng và các kim loại khác), giúp truyền tải chính xác những chuyển động từ stylus một cách chính xác và không “thêm màu”. Bên cạnh đó, các kỹ sư ở Ortofon cũng thiết kế lại các đệm chống rung giúp hạn chế rung động trong toàn bộ thân kim, mang lại một dải tần có độ tuyến tính tốt hơn cũng như nền âm, đặc biệt là trầm có độ tĩnh tối ưu.
Lực tì của kim xuống mặt đĩa của SPU Royal GM MK II được nhà sản xuất khuyến nghị là 3g, trở kháng kim >100ohm, chúng tôi chọn setup với mâm than Bergmann Galder, kết hợp step-up Audio Note Kondo AN-S6. Hệ thống trình diễn gồm đôi loa Franco Serblin Ktema, preamp McInotsh C22 và poweramp mono McIntosh MC75. Khi mở máy với bài High Life trong album Jazz at the Pawnshop (180g vinyl - 02 LP 33rpm), ấn tượng đầu tiên mà cây kim này dành cho chúng tôi đó là sự phong phú và chi tiết của từng nốt và âm thanh của bản nhạc. Tiếng vỗ tay của khán giả được thu live ngay quán cũng như tiếng các nhạc cụ như trống, piano, saxophone…được tái tạo khiến chúng tôi có cảm tưởng đang có mặt tại quán Jazzpuben Stampen ở Stockholm,Thụy Điển, thời điểm mà ban nhạc này trình diễn. Tiếng vang của bộ gõ trong dàn nhạc được lặp đi lặp lại rõ ràng hơn rất nhiều với nhiều dòng kim phono mà chúng tôi từng nghe trước đây.
Chuyển sang track A Taste of Honey do nữ ca sĩ Patricia Barber trong album Café Blue (LP, Limited Edition, bản Remastered 2011) trình diễn, SPU Royal GM MK II đã giúp giọng ca của nữ ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ này chân thật, rõ ràng đúng chất giọng analog, không thêm thắt, màu mè gì nữa. Tiếng guitar cùng bộ gõ cũng được thể hiện chi tiết, mạch lạc, không bị rối với tiết tấu hòa quyện; tiếng bass mạnh mẽ và xuống rất sâu khiến chúng tôi càng nghe càng thấy lôi cuốn và đắm chìm vào tiếng nhạc du dương, bay bổng. Tuy nhiên, nếu đã từng nghe qua nhiều thế hệ kim SPU, bạn sẽ dễ dành nhận thấy sự cải thiện đáng kể Royal GM MK II so với các thế hệ tiền nhiệm đó là ngoài việc vẫn giữ được “vị” analog thuần, chúng ta đã có chi tiết ở các dải được tái tạo ở micro và được cấu trúc chính xác thay vì nhòe hay hẹp tiếng.
Nói chung, SPU Royal GM MK II hoàn thành chính xác những gì Ortofon đặt ra: đó là một chiếc kim hiện đại, có nền âm tĩnh lặng với nhiều chi tiết và cảm giác tốt về không gian trên các bản ghi âm stereo. Đây cũng là cây kim thuộc dòng SPU có thể cho ra âm hình vững vàng và rộng mở. Theo nhận xét của chúng tôi, đối với những người hoài cổ và đam mê chất giọng của đĩa than, SPU Royal GM MK II xứng đáng ngự trị trong bộ sưu tập của bạn, bởi nó đã tôn vinh và nâng tầm giá trị sinh nhật 80 năm của Ortofon một cách đích thực nhất.
Thông số kỹ thuật
Dải tần: 20-20.000 Hz + 1.5/- 0 dB
Điện áp đầu ra: 0,2mV (tại 1000 Hz, 5cm/sec
Đầu stylus: Ortofon Replicant 100
Cuộn dây: electrum
Lực tì (khuyến nghị): 3g
Trở kháng tải (khuyến nghị): >100ohm
Trọng lượng: 30g
Giá tham khảo: 58 triệu đồng