Tin mới

Marantz HD-DAC1 phong cách retro, chất âm hiện đại

Không chỉ là thiết bị giải mã (DAC) tầm trung dành cho dân chơi lossless chất lượng cao, Marantz HD-DAC1 còn là một chiếc ampli headphone chính hiệu. Nhà sản xuất audio Nhật Bản đã quyết định dấn sâu hơn vào thị trường âm thanh số - một hướng đi hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển chung.

Marantz HD-DAC1 phong cách retro, chất âm hiện đại ảnh 1 Xuất hiện lần đầu dưới dạng concept tại Triển lãm Âm thanh Munich hồi tháng 5/2014, ngay lập tức HD-DAC1 trở thành một trong những bộ giải mã được trông đợi nhiều nhất. Người ta muốn xem chất lượng âm thanh của nó có xuất sắc như dáng vẻ bên ngoài hay không. Với bề dầy truyền thống, kinh nghiệm lâu năm sản xuất nguồn phát, từng có rất nhiều đầu CD và SACD được xếp vào nhóm tham chiếu qua các thời kỳ khác nhau, dĩ nhiên Marantz phải biết cách làm cho công chúng hài lòng.  HD-DAC1 ra đời dựa trên những công nghệ đã làm nên thành công cho hai thiết bị giải mã và xử lý nhạc số cao cấp NA-8005 và NA-11S1. Với kích thước nhỏ gọn, tích hợp cả ampli headphone, có thể nhận ra ngay HD-DAC1 nhắm đến nhóm khách hàng ưu tiên sự tiện lợi, sử dụng máy tính như nguồn phát âm thanh chủ yếu. Trọng lượng chỉ 5kg, kích thước 25 x 27 x 9cm cho phép HD-DAC1 nằm gọn trên bàn làm việc, cũng không chiếm quá nhiều diện tích khi hiện diện trong những bộ dàn hi-fi tầm trung.  Marantz HD-DAC1 phong cách retro, chất âm hiện đại ảnh 2

Hình thức của HD-DAC1 thực sự gây ấn tượng mạnh bởi nó được thiết kế theo tinh thần retro đậm đặc, khiến người ta phải nhớ về những sản phẩm một thời vang bóng của Marantz. Từ cặp hồi giả gỗ bóng loáng, phím volume và chọn nguồn phát hình tròn trên mặt máy đến màn hình hiển thị hình tròn cổ điển ở chính diện... tất cả những thứ đó, chỉ liếc qua là nhận ra ngay “đồ âm thanh Marantz”, không lẫn đi đâu được.  

Theo đúng tinh thần “hào phóng” xưa nay, HD-DAC1 cũng sở hữu rất nhiều kết nối, bao gồm cổng vào USB (type B) cho nguồn phát từ máy tính, 1 cổng coaxial và 2 cổng optical vào, 1 cổng AUX dạng 3,5mm. Quá thừa thãi cho nhiều nguồn âm thanh khác nhau. Bên cạnh cổng ra  analog dạng fixed, HD-DAC1 cũng có cổng ra analog dạng variable cho phép máy kiêm nhiệm cả chức năng pream và điều chỉnh được mức âm lượng. Cổng cắm headphone nằm ở mặt trước máy, bên cạnh khe USB (type A) dùng để nâng cấp phần mềm khi cần thiết. Marantz HD-DAC1 phong cách retro, chất âm hiện đại ảnh 3

Nội thất của Marantz HD-DAC1 nhìn khá “chật chội” với linh kiện dày đặc chứ không thưa thớt như các sản phẩm châu Âu. Điểm nhấn của bộ DAC này chính là mô-đun ampli HDAM-SA2 vốn chỉ xuất hiện trên các sản phẩm cao cấp, dùng cho phần pream và công suất của ampli headphone. Bên cạnh đó là chip giải mã hiệu suất cao nổi tiếng Cirrus Logic CS4398 nằm trong nhóm tốt nhất thị trường hiện nay (gồm ESS ES9012, BurrBrown PCM1795, AKM AK4399), tương thích với nguồn âm kỹ thuật số có độ phân giải lên đến 24bit/192kHz ở các định dạng phổ biến nhất bao gồm WAV, FLAC, ALAC, AIFF, MP3, WMA. Dĩ nhiên, con chip CS 4398 cũng tương thích luôn với chuẩn DSD cao cấp ở các tần số lấy mẫu 2,8 và 5,6MHz. Mặc dù hiện nay chưa có nhiều nguồn nhạc DSD chính thức bán trên thị trường, nhưng rõ ràng đây là một động thái “đón đầu” rất hiệu quả, một món quà tặng thêm đáng giá cho khách hàng.

Để kiểm tra năng lực hoạt động của Marantz HD-DAC1, chúng tôi sử dụng ampli tích hợp Linn Classik 2008 đánh cặp loa Linn Katan, dây tín hiệu Linn Black, dây loa QED Anniversary XT bi-wire, dây USB AudioQuest Forest, nguồn phát laptop Asus TP500LN (Core-i5 4210U 1,7GHz, RAM 4GB) với chương trình phát nhạc số Foobar 2000. Người dùng sẽ phải tải phần mềm nhận thiết bị từ trang chủ marantz.us để máy tính định dạng HD-DAC1 như thiết bị âm thanh ngoại vi. Rất đơn giản, nhất là với những người đã thông thuộc Foobar 2000.  Marantz HD-DAC1 phong cách retro, chất âm hiện đại ảnh 4

Thuốc thử đầu tiên dành cho bộ DAC này là album trong cửa hàng nhạc số trực tuyến có cái tên rất dài: HighDefTapeTransfer: Dvorak Cello Concerto cung Si thứ, Op.104, nghệ sĩ trình tấu Pierre Fournier, chơi cùng Berlin Philharmonic Orchestra, file FLAC 24bit/192kHz. Ở ngay chương đầu tiên Allegro, tiếng đàn vang lên thật đĩnh đạc, chừng mực và cứ thế phát triển theo kỹ thuật điêu luyện của người nghệ sĩ. Sắc thái ấm áp đặc trưng của cây cello được thể hiện khá trọn vẹn, dầy dặn, cho cảm giác về một buổi diễn live thực thụ. Tiếp theo, với chương thứ 3 trong Giao hưởng số 5 của Tchaicovsky chơi bởi Dàn nhạc giao hưởng Leningrad (file FLAC 24bit/96kHz, mua từ HDTracks), HD-DAC1 cũng cho thấy khả năng kiểm soát dải động khá hiệu quả. Dù đây là một bản ghi cổ được biên tập lại nhưng những âm thanh từ nhỏ nhất đến lớn nhất vẫn được truyền tải đến tai người nghe rõ ràng, không bị rối tiếng ở đoạn cao trào. 

HD-DAC1 không mang màu âm dịu dàng, mềm mại, chậm rãi của Marantz trước kia nữa. Trái lại, nó khá tươi sáng, trong trẻo, chi tiết. So với một bộ DAC cùng phân khúc là NAD M51 thì âm thanh của Marantz mỏng hơn một chút, dải trầm cũng nhẹ hơn, khá phù hợp với những người không thích nghe nhạc theo kiểu “bạo lực” hoặc có phòng ốc chưa được xử lý âm học cẩn thận. Tuy nhiên, với bản Radio Gaga trong album The Works của nhóm Queen (file Flac 24bit/96kHz, mua từ Hdtracks), những tiếng trống vẫn vang lên chắc nịch, đạt độ nẩy ấn tượng. Giọng hát cao vút của Freddie Mercury như bay bổng trên nền nhạc đệm ở đoạn điệp khúc, rất tự nhiên, rất phóng khoáng. Sân khấu âm thanh của cả HD-DAC1 và NAD M51 đều không lùi sâu ra phía sau hai loa mà nằm gần ở giữa. Đây cũng là yếu tố được nhiều audiophile quan tâm, bởi nếu sân khấu tiến về phía trước, nó sẽ làm người nghe nhanh cảm thấy mệt, đặc biệt với các thể loại rock, hip-hop hay giao hưởng.

Chúng tôi đã sử dụng CD Cyrus CD7 kết nối với HD-DAC1 qua cổng coaxial. Với bản Crazy trong album nổi tiếng Serendipity Street của nữ ca sĩ người Canada Chantal Chamberland, những nốt trầm của guitar “rơi” ở khoảng rất thấp nhưng vẫn tròn trịa và không hề bị bẹt ra. Trong khi đó, tiếng lấy hơi rất khẽ của nữ ca sỹ ở một vài khoảnh khắc bỗng trở nên rõ ràng hơn khá nhiều. Bản CD rip phát từ máy tính qua cổng USB cũng cho ra một màn trình diễn tương tự như vậy, hầu như không có khác biệt gì. Nhưng khi kết nối trực tiếp CD7 với ampli, dễ dàng nhận ra dải trầm chắc chắn hơn một chút nhưng tổng thể nền âm dường như không “sạch” bằng nguồn phát máy tính qua HD-DAC1. Và nếu để bộ DAC này đảm nhiệm vai trò pream thì âm thanh có vẻ khô hơn, với các bản nhạc rock, hip-hop hay giao hưởng, dải trầm cũng bớt đi một chút uy lực.  Marantz HD-DAC1 phong cách retro, chất âm hiện đại ảnh 5

Chúng tôi cũng không quên dùng tai nghe KEF M500 để kiểm tra phần ampli headphone. Không ngoài dự đoán, khi được kết hợp với một chiếc headphone loại tốt (vài trăm đô la trở lên), HD-DAC1 đã thể hiện được những màn trình diễn rất ấn tượng. Âm thanh dầy dặn, mềm mại hơn hẳn khi ghép với dàn hi-fi, dải cao có độ mở tốt trong khi dải trầm lại khá tròn trịa và không làm mệt tai.

Nhận xét tổng quan

Marantz HD-DAC1 có nhiều ưu điểm. Đó là kiểu dáng bắt mắt, uy tín của thương hiệu và sự linh hoạt, đa năng khi sử dụng. Với một chiếc laptop làm nguồn phát, người ta dễ dàng tận dụng bộ DAC này để làm nhiều việc khác nhau. HD-DAC1 không chỉ hợp với những hệ thống nghe nhạc hi-fi tầm trung. Kể cả khi đặt vào những bộ dàn có tầm giá 10.000USD, nó vẫn đủ khả năng mang đến thứ âm thanh chất lượng cao, khiến thính giả muốn nghe nhạc nhiều và lâu hơn. HD-DAC1 phù hợp nhất với jazz, vocal, hòa tấu, pop, nhạc trữ tình Việt Nam. Nếu không cần đến một dải trầm quá mạnh mẽ, bạo lực, HD-DAC1 cũng sẽ làm người dùng hài lòng khi chơi rock. Marantz HD-DAC1 xứng đáng là ứng viên sáng giá cho dòng DAC tầm giá dưới 1000USD…

Giá tham khảo (tại thị trường Việt Nam): 18.500.000 đồng.

Bảo Ngọc