Tin mới

Đánh giá Lenovo Yoga Pro 7i 14IRH8: Chiếc ultrabook “làm hết sức, chơi hết mình”

Sở hữu một thiết kế chắc chắn, gọn nhẹ cùng cấu hình mạnh mẽ cho nhu cầu làm việc/giải trí và pin dài, sạc nhanh - Lenovo Yoga Pro 7i 14IRH8 đã có hầu hết những thứ mọi người yêu cầu ở một chiếc ultrabook.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i_thumb.jpg (1.02 MB)

Vào năm 2020 khi công bố thế hệ vi xử lý Core thế hệ 11 - Tiger Lake, Intel cũng đồng thời “trình làng” bộ quy chuẩn Intel Evo. Để được chứng nhận Intel Evo, một chiếc laptop cần đáp ứng nhiều yêu cầu như trang bị bộ vi xử lý tối thiểu là Core i5 thế hệ 11 trở lên cùng đồ họa tích hợp Intel Iris Xe Graphics; khởi động từ chế độ Sleep dưới 1 giây; hỗ trợ công nghệ sạc nhanh, đạt 4 giờ sử dụng sau 30 phút sạc; hỗ trợ kết nối Wi-Fi 6 và Thunderbolt 4; thời lượng pin sử dụng đạt ít nhất 9 giờ và lên tới 13 giờ… Mỗi một chiếc máy có nền tảng Intel Evo được kiểm thử theo 75 yêu cầu về thông số kỹ thuật và phần cứng khác nhau.

Kể từ khi chuẩn Intel Evo ra đời và tạo ra một hệ quy chiếu cơ bản, người dùng đã được tiếp cận với những thế hệ laptop - đặc biệt là ultrabook ngày càng mạnh mẽ nhưng tiết kiệm năng lượng và đem lại trải nghiệm sử dụng thân thiện. Là một trong những nhà sản xuất theo đuổi Intel Evo ngay từ khi chuẩn này xuất hiện, Lenovo đã làm mới dòng ultrabook Yoga Pro của hãng vào đầu năm nay với nhiều lựa chọn khác nhau - trong đó bao gồm Lenovo Yoga Pro 7i 14IRH8.

Được thiết kế hướng tới các nhà sáng tạo nội dung, Lenovo Yoga Pro 7i 14IRH8 kết hợp những yêu cầu của Intel Evo với nền tảng chip Intel Core thế hệ thứ 13, GPU NVIDIA GeForce RTX 4000 series mới nhất, màn hình 14.5” PureSight Pro 3K 120Hz và pin 73Wh sạc nhanh Rapid Charge Express. Tất cả gói gọn trong một thiết kế mỏng nhẹ để được xếp vào hàng ultrabook, nhưng đủ chắc chắn khi đạt chuẩn MIL-STD-810H.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-01.jpg (1.12 MB)

Thiết kế

Ngay từ khi nhìn vào Lenovo Yoga Pro 7i, bất kỳ ai cũng có thể nhận ra nó là một chiếc ultrabook cao cấp bởi thiết kế đơn giản nhưng sang trọng và viền màn hình siêu mỏng. Phiên bản Yoga Pro 7i mà Nghe Nhìn trải nghiệm có màu xanh Tidal Teal rất ưa nhìn - đặc biệt khi bề mặt bóng mờ và ít bám vân tay. Với kích thước (D x R x C) lần lượt (325,5 x 226,49 x 15,6) mm, bạn sẽ không thấy cồng kềnh khi phải mang vác chiếc laptop này hàng ngày. So với các ultrabook khác, Yoga Pro 7i hơi nặng khi đạt khoảng 1,5kg. Tuy nhiên đây vẫn là một mức nhẹ so với đa phần laptop thông thường, và là sự đánh đổi chấp nhận được để có cấu hình và pin nêu trên.

Cầm máy trên tay, cảm giác về sự cao cấp còn được khẳng định rõ hơn nhờ sự kết hợp giữa vật liệu và chất lượng hoàn thiện cao. Yoga Pro 7i có thiết kế phần lớn là nhôm khi mặt trước và thân máy chính đều được làm từ vật liệu này. Phần còn lại gồm viền màn hình đen và nắp đáy là nhựa sơn màu. Nhưng nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, rất khó để phát hiện ra sự khác biệt này khi chất lượng sơn và đúc của nhựa rất cao cấp, dẫn tới những khe tiếp giáp đều tăm tắp. Phần vỏ nhôm cũng được hoàn thiện tốt không kém, với các đường vát bo tròn không gây cấn tay khi cầm, lỗ loa sắc nét hay logo Lenovo và Yoga ở mặt trước sắc sảo.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-23.jpg (896 KB)

Với chuẩn MIL-STD-810H của quân đội Mỹ, thiết bị phải trải qua 28 bài kiểm tra liên tục như mưa gió thổi lớn, tiếp xúc cát, bụi, nhiễm axit, áp suất thấp, nhiệt độ cao lên đến 60 độ C và nhiệt độ thấp đến -29 độ C khi máy đang hoạt động,… Bên cạnh đó là hàng chục thử nghiệm rơi từ độ cao xuống nhiều góc khác nhau của thiết bị, rung lắc vật lí khi đang được vận chuyển,… Chưa dừng lại ở đó, Lenovo còn cho biết hãng cũng thử nghiệm độ bền Yoga Pro 7i theo chuẩn riêng của hãng.

Dù không đem máy thử nghiệm ở các điều kiện khắc nghiệt như trên nhưng ít nhất, Nghe Nhìn có thể xác nhận độ chắc chắn của Yoga Pro 7i. Thử cầm thân máy và dùng lực tay mạnh tác động, toàn bộ chiếc ultrabook đem tới cảm giác “vững như bàn thạch”, không có sự vặn xoắn hay những tiếng kêu ọp ẹp phát ra như nhiều chiếc laptop khác. Điều này cũng đúng với phần thân chính của Yoga Pro 7i khi mở máy, nhưng phần nắp trên siêu mỏng chứa màn hình không thể tránh khỏi độ uốn nếu mở chiếc laptop từ 2 góc.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-24.jpg (814 KB)

Nhưng Lenovo đã tính tới việc này, chính vì vậy hãng thiết kế phần gờ ở chính giữa để mở nắp - đồng thời là nơi chứa webcam FHD 1080p + IR và cảm biến ToF. Để laptop dưới bàn hay bề mặt phẳng, bạn có thể dễ dàng mở nắp bằng gờ này nhờ bản lề êm nhưng có độ “mút” đủ để tránh tình trạng lỏng lẻo. Bên cạnh đó, Lenovo Yoga Pro 7i vẫn có khả năng mở màn hình tối đa 180 độ.

Cổng kết nối, bàn phím và touchpad

Với kích thước của một chiếc ultrabook, Lenovo chỉ có thể sử dụng cấu hình 80 phím cho Yoga Pro 7i 14IRH8 thay vì full size hoặc có thêm cụm phím số bên như nhiều laptop cao hơn. Tuy nhiên đổi lại, hãng không có sự cắt giảm nào về chất lượng bàn phím. Với 1,5mm, hành trình từng phím của máy cùng các phím dạng chiclet lớn và cách nhau đủ rộng, trải nghiệm gõ phím trên Yoga Pro 7i 14IRH8 rất “đã tay” với độ nảy tốt và êm.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-22.jpg (943 KB)

Touchpad trên Yoga Pro 7i có cảm ứng đa điểm mặt kính không nút bấm với diện tích khá lớn (80x135mm), hỗ trợ Precision Touchpad (PTP) để nhận diện tối đa 4 cửa chỉ ngón tay. Nhờ có bề mặt cũng bóng mờ, touchpad này đem tới cảm giác vuốt mượt và nhạy, không bị rít. Nằm bên dưới touchpad còn có các nút chuột, nhưng chúng phát ra tiếng khá to. Chính vì vậy người dùng nên tận dụng các cử chỉ chạm ngón tay để click chuột thay vì dùng lực ấn xuống nút ẩn dưới touchpad.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-19.jpg (1.34 MB)

Ngoài bàn phím, số lượng các cổng kết nối cũng là thứ thường bị cắt giảm trên những mẫu ultrabook mỏng nhẹ và Yoga Pro 7i không phải ngoại lệ. Máy không có khe cắm thẻ nhớ, và cũng chỉ có duy nhất 1 cổng USB-A 3.2 Gen 1. Cổng này nằm bên cạnh jack tai nghe 3.5mm, nút nguồn cùng công tắc tắt mở webcam. Trong khi đó các cổng còn lại của Yoga Pro 7i hội tụ hết bên cạnh trái gồm 2 cổng USB-C (hỗ trợ sạc PD 3.0 và xuất hình DisplayPort 1.4 mới nhất, 1 đạt chuẩn 3.2 Gen 2 và 1 đạt Thunderbolt 4) cũng như HDMI xuất hình tối đa 4K/60Hz.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-20.jpg (1.34 MB)

Màn hình và âm thanh

Trên lý thuyết, thông số màn hình 14,5” độ phân giải 3K (3072x1920 pixel) tỷ lệ 16:10, độ tương phản 1500:1 của Yoga Pro 7i 14IRH8 đã bảo đảm cho chiếc ultrabook này có trải nghiệm nhìn tốt khi đã đạt tiêu chuẩn PureSight Pro mà Lenovo đề ra. Theo hãng, một chiếc laptop có màn hình “PureSight Pro” phải có mật độ điểm ảnh lớn hơn 235ppi, độ sáng lớn hơn 400nits, tần số làm mới hơn 120Hz, độ sâu màu 10bit, bao phủ 100% không gian màu DCI-P3 và trị số sai lệch màu Delta E <1. Ngoài ra nó cũng cần phải có lượng ánh sáng xanh gây hại mắt được tổ chức đánh giá kỹ thuật TUV khắt khe của Đức đánh giá ở mức ít ảnh hưởng, có các cảm biến điều chỉnh ánh sáng và đạt chuẩn Dolby Vision.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-07.jpg (1.60 MB)

Và không ngoài mong đợi, màn hình với tấm nền IPS của Yoga Pro 7i có chất lượng xuất sắc với góc nhìn rộng màu sắc tươi sáng, hình ảnh sắc nét và mượt mà với tần số làm mới cao. Một điểm đáng nói khác ở màn hình này là dù có bề mặt mờ chống chói, nhưng hình ảnh không bị nhiễu hạt như nhiều laptop với màn hình antiglare khác. Độ sáng cao có thể điều chỉnh tự động bằng cảm biến khiến Yoga Pro 7i không gặp khó khăn khi hiển thị dưới ánh sáng mạnh. Cuối cùng, màn hình tốt và ít ánh sáng xanh này cũng giúp người trải nghiệm sử dụng trong nhiều giờ mà không có tình trạng mỏi, khô hay cộm mắt.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-06.jpg (1.41 MB)

Về mặt âm thanh, Yoga Pro 7i cũng thể hiện sự vượt trội so với các ultrabook khác với hệ thống 4 loa ngoài 2W, đạt chuẩn âm thanh vòm Dolby Atmos. Chính vì vậy ngay cả khi tăng âm lượng tối đa, máy cũng thể hiện âm thanh rõ ràng, tách bạch và hoàn toàn không có hiện tượng nhiễu, vỡ âm ở đây. Ngoài việc phát qua 4 loa, Yoga Pro 7i cũng là chiếc máy tính xách tay tốt cho nhu cầu họp nhóm, làm việc từ xa qua Google Meet hay Zoom. Nhờ có 4 micro và công nghệ khử tiếng ồn, người ở đầu dây bên kia vẫn có thể nghe rõ tiếng nói ngay cả trong môi trường quán ăn hay ở trung tâm thương mại ồn ào.

Hiệu năng

Như đã nói ở trên, Yoga Pro 7i sử dụng chip Intel Core thuộc thế hệ thứ 13 Raptor Lake mới nhất đang được bán trên thị trường - cụ thể là phiên bản i7-13700H - phiên bản tầm trung của CPU di động Raptor Lake i7. Nhưng trên thực tế nếu so với những con chip i7 Raptor Lake cao hơn, nó có thông số y hệt - ngoại trừ xung nhịp. I7-13700H có 6 nhân hiệu năng cao (xung cơ bản/turbo lần lượt 2,4 và 5GHz), 8 nhân tiết kiệm điện (xung cơ bản/turbo lần lượt 1,8 và 3,7GHz), 20 luồng, hỗ trợ RAM LPDDR5 6400MHz và bộ nhớ cache đạt 24MB. Kết hợp với vi xử lý là card đồ hoạ NVIDIA RTX 4050 cũng là đời mới nhất ở hạng trung trong dòng sản phẩm GeForce với RAM GDDR6 6GB và RAM 16GB hàn chết trên bo mạch.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-05.jpg (1.22 MB)

Đối với nhu cầu của nhóm khách hàng là nhà sáng tạo nội dung mà Lenovo hướng tới, có thể nói cấu hình này cho phép người dùng hoàn thành được nhiều công việc hơn cùng một lúc. Với các tác vụ như retouch/xuất JPEG cả trăm file RAW từ máy ảnh mirrorless APS-C bằng Adobe Camera RAW, chỉnh sửa ảnh bằng Photoshop 2024, import file 4K@120fps để dựng và xuất video ở cài đặt tương tự bằng Adobe Premiere Pro; Yoga Pro 7i đều có thể dễ dàng xử lý nhanh chóng mà không bị tình trạng giật lag. Và màn hình đẹp cũng hỗ trợ đắc lực cho những tác vụ này. Đương nhiên, những công việc văn phòng quá đơn giản với Yoga Pro 7i.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-08.jpg (1.36 MB)

Mặc dù không phải là một chiếc laptop chơi game, nhưng cấu hình nêu trên cũng giúp Yoga Pro 7i có thể xử lý được khá dễ dàng nhiều tựa game AAA hiện tại. Thử nghiệm nhanh với Forza Horizon 5, máy có thể chơi ở đúng độ phân giải 3072x1920 pixel với cài đặt đồ hoạ Ultra - cấp độ thứ nhì sau Extreme mà vẫn giữ đều số khung hình ở khoảng 60fps trong mọi hoàn cảnh. Cần nói thêm rằng điều này đạt được khi cắm sạc và máy chuyển về chế độ Performance tối ưu hiệu năng. Rút sạc và chuyển về chế độ năng lượng Balanced, số khung hình sẽ bị giảm xuống nhưng vẫn giữ ổn định ở tầm 40-dưới 50fps.

Điểm benchmark không phải là yếu tố quyết định để tham chiếu trải nghiệm sử dụng thực tế của thiết bị công nghệ. Nhưng để so sánh, điểm số Cinebench 2024 của Yoga Pro 7i là 112 cho bài test CPU đơn nhân, 873 cho CPU đa nhân và 7192 cho GPU. Tương tự, các con số này ở Geekbench 6 lần lượt là 2587, 15311 và 75473. Điểm số PCMark 10 là 7099.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-09.jpg (1.52 MB)

Ngoài ra không thể không nhắc tới SSD của Yoga Pro 7i. Phiên bản được Nghe Nhìn thử nghiệm được trang bị SSD M.2 2280 PCIe 4.0x4 NVMe dung lượng lên tới 1GB. Quan trọng hơn, tốc độ đọc/ghi của ổ cứng khá tốt. Thử nghiệm bằng CrystalDiskMark, tốc độ đọc/ghi lần lượt là 6660,67 và 4888,7MB/s. Điều này góp phần không nhỏ vào tốc độ của Yoga Pro 7i - đặc biệt khi load/xuất các file nặng từ Premiere Pro hay load game.

Cuối cùng, độ ồn của quạt lẫn độ nóng của máy khi thực hiện các tác vụ nặng đều được kiểm soát tốt, không gây khó chịu khi sử dụng. Trong quá trình thử nghiệm, nhiệt độ CPU cao nhất được ghi nhận là 89 độ C trong khi GPU là 76 độ C. Vào lúc này, quạt dù quay nhanh nhưng vẫn chỉ ồn khoảng 50db.

Thời lượng pin

Mặc dù được trang bị cấu hình khá mạnh mẽ, nhưng pin 73Wh đem tới cho Yoga Pro 7i thời lượng pin ấn tượng. Ở chế độ Balanced của Windows để cân bằng giữa hiệu năng và thời lượng pin, máy có thể xem phim tới 9 tiếng 20 phút với file MKV 1080p có phụ đề, độ sáng màn hình 70% và loa ngoài 50%. Cũng với độ sáng cùng âm lượng tương tự nhưng phát video YouTube, con số này giảm xuống còn 8 giờ.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-03.jpg (1.08 MB)

Dùng hỗn hợp các tác vụ như gõ văn bản bằng Word, lướt web cũng với độ sáng màn 70%, Yoga Pro 7i có thể trụ được tới 12 giờ 8 phút. Con số này khá gần với mức tham chiếu của chuẩn Intel Evo. Với nhu cầu sử dụng các phần mềm như Photoshop hay Premiere Pro như trên và ở chế độ Better Performance, thời lượng pin bị giảm xuống chỉ còn 6h38 phút - vẫn đủ cho một nhà sáng tạo công việc hoàn thành một ngày làm việc.

Với công nghệ sạc siêu nhanh Rapid Charge Express và cục sạc 140W, người dùng có thể nhanh chóng sạc lại pin nếu như cần sử dụng gấp. Theo Lenovo quảng cáo, chỉ cần cắm sạc 15 phút là máy có thể sử dụng trong 3 giờ. Qua thử nghiệm từ khi cạn kiệt pin, máy chỉ mất 5 phút để sạc được 15%, 15 phút để đạt 35% và 30 phút cho 70%.

nghe_nhin_lenovo_yoga_pro_7i-18.jpg (1.30 MB)

Đánh giá 

Ngay cả khi cố tìm cách “bắt lỗi”, thật khó để có thể tìm ra điểm chưa hoàn thiện trên Lenovo Yoga Pro 7i. Sở hữu một thiết kế chắc chắn, gọn nhẹ cùng cấu hình mạnh mẽ cho nhu cầu làm việc/giải trí và pin dài, sạc nhanh - Lenovo Yoga Pro 7i 14IRH8 đã có hầu hết những thứ mọi người yêu cầu ở một chiếc ultrabook. Giá bán từ 35,99 triệu đồng (kèm 3 năm dịch vụ bảo hành cao cấp Premium Care) đưa Yoga Pro 7i vào hàng ultrabook cao cấp nhưng với những giá trị đem lại, con số này rất xứng đáng - đặc biệt với các khách hàng cần một chiếc laptop toàn năng và thường xuyên di chuyển.