Tin mới

Microsoft HoloLens: Tầm nhìn tuyệt vời về máy tính tương lai

HoloLens đem tới một cái nhìn độc đáo về công nghệ thực tại tương tác (Augmented Reality). Nó hộ tụ đầy đủ các yếu tố để thành công: chất lượng phần cứng tốt, thiết kế tỉ mỉ tới từng chi tiết cùng tiềm năng ứng dụng gần như vô hạn. Liệu Microsoft có thể khắc phục được những nhược điểm hiện tại của HoloLens, và hãng dự định sẽ bán nó với giá bao nhiêu?

Microsoft HoloLens: Tầm nhìn tuyệt vời về máy tính tương lai ảnh 1 Tại hội nghị Build 2015, Microsoft đã mở riêng một phòng dùng để trình diễn HoloLens. Trước khi vào phòng này, chúng tôi phải để lại hết tất cả những thiết bị điện tử, bao gồm cả camera ở bên ngoài. Những hình ảnh được sử dụng trong bài viết đều chụp phiên bản mẫu của HoloLens trong lồng kính, được đặt bên ngoài phòng trình diễn. Thiết bị HoloLens mà Microsoft cho phép chúng tôi thử nghiệm ở hội nghị Build 2015 được hãng đánh giá là “phần cứng đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên”, và nó đem lại cảm giác đúng như vậy. Tuy nhiên, tiềm năng mà nó đem lại thực sự rất ấn tượng. Khi thử HoloLens cùng với các phóng viên công nghệ khác tại phần “Holographic Academy” của buổi họp báo, tôi đã nghĩ rằng: “Nó giống như việc đeo một chiếc PC lên mặt”. Hiện tại vẫn chưa hoạt động hoàn hảo, nhưng đó là cảm nhận mà HoloLens sẽ đem lại cho bạn, thể hiện qua những gì bạn thấy và làm với nó.
Microsoft HoloLens: Tầm nhìn tuyệt vời về máy tính tương lai ảnh 2 Microsoft không sử dụng những game lấy cảm hứng từ Minecraft, hay các đoạn 3D demo bề mặt sao hoả để trình diễn khả năng của HoloLens. Thay vào đó, tôi đã được trở thành một nhà phát triển ứng dụng cho HoloLens, tạo ra một app bằng game engine Unity rồi “chồng” lên các lớp tính năng khác nhau. Cứ mỗi tính năng được thêm vào như các điều khiển chuyển động hay âm thanh không gian, tôi đã được thấy chúng sẽ góp phần ảnh hưởng thế nào tới trải nghiệm của HoloLens. Quá trình thử nghiệm cho thấy những gì mà người dùng sẽ được trải nghiệm khi thiết bị này chính thức được Microsoft tung ra thị trường. Cảm giác khi đeo HoloLens trên đầu
Về cơ bản, HoloLens được cấu thành từ hai vòng chính: vòng dày bên ngoài chứa toàn bộ các linh kiện quan trọng để nó hoạt động và vòng mỏng hơn bên trong bao xung quanh đầu bạn. Vòng bên trong có một núm xoay nhỏ để siết chặt hay nới lỏng ra, đồng thời có những ray trượt hai bên để bạn chỉnh độ xa/gần của HoloLens so với mắt. HoloLens không được thiết kế để tì lên sống mũi, vì miếng đệm cao su đỡ ở mũi luôn rơi ra, dù tôi đã liên tục chỉnh lại. Khá may mắn là miếng đệm này có thể tháo ra, và tôi có cảm giác dễ chịu hơn hẳn. Ngoài ra cứ mỗi lần đeo HoloLens, tôi lại phải chỉnh lại nó từ đầu. Nếu như bạn đã gắn nó lên đầu đúng cách và cảm thấy thoải mái, những hình ảo 3 chiều sẽ nằm gọn trong tầm mắt và đem tới cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, nếu đặt HoloLens quá cao hay quá xa so với tầm mắt hoặc thít chặt nó quá, trải nghiệm với chiếc kính thực tại tương tác này sẽ bị ảnh hưởng. Tốt nhất khi đeo HoloLens, người dùng không nên vận động nhiều vì sẽ phải điều chỉnh lại kính thường xuyên hơn. Microsoft HoloLens: Tầm nhìn tuyệt vời về máy tính tương lai ảnh 3
Nếu như cắt tóc ngắn, có thể bạn sẽ không gặp vấn đề với HoloLens giống những người có tóc dày như tôi. Có thể là do tôi đã không chỉnh nó phù hợp với đầu, nhưng mỗi lần bỏ HoloLens ra, tôi lại cảm thấy hơi đau đầu như vừa mới đội một chiếc mũ lưỡi trai chật hơn 2 cỡ vậy. Chiếc HoloLens được Microsoft đưa ra lần này có thể hoạt động độc lập mà không cần nối tới thiết bị nào, tôi chỉ việc dùng tay để lựa chọn và di chuyển các hình ảo trong không gian. Đồng thời, nó cũng được tích hợp sẵn pin chứ không còn được nối với pin rời như phiên bản thử nghiệm đầu tiên nữa. Gạt qua một bên những “hạt sạn” trên, khi HoloLens được đeo đúng cách, nó sẽ đem tới cảm giác khá thoải mái. Tuy nhiên, giống như mọi chiếc kính ảo VR/AR khác mà tôi đã từng thử đeo, trọng lượng của nó cũng dồn nhiều lên phía trước. Bạn sẽ cảm thấy độ nặng rất rõ trước trán khi đeo HoloLens. Dù chưa đến mức gây khó chịu, nhưng trọng lượng này cũng đủ để khiến bạn nhận ra. Microsoft tốt nhất nên tiếp tục cải tiến HoloLens, tìm cách dồn các linh kiện về hai bên và phía sau để loại bỏ phần nào cảm giác nặng ở phần trước kính. Tôi đánh giá rất cao việc vòng phía trong được độn đệm mềm. Đây là một chi tiết nhỏ nhưng nó đã đem lại cảm giác dễ chịu và giúp tôi có thể tập trung vào những hình ảnh trước mắt. Tôi bị cận phải đeo kính, và cũng không hề bỏ kính ra khi đeo HoloLens. Mặc dù vậy, chiếc kính cận của tôi cũng không bị ép vào mặt hay hai bên thái dương – điều thường xảy ra trên những chiếc kính thực tại ảo khác. Nó cũng không khiến tôi cảm thấy chóng mặt khi đeo lâu như Oculus Rift. Do vẫn có thể nhìn thấy được những gì đang xảy ra xung quanh, tôi không cảm thấy bị cô lập với thế giới thực hay ngột ngạt với HoloLens. Sẽ thật tuyệt nếu như màn hình trong suốt của HoloLens không tối quá, nhưng do căn phòng thử nghiệm mà Microsoft bố trí có ánh sáng dịu nên có thể màn hình này sẽ phù hợp hơn khi ở trong phòng sáng hoặc ngoài trời. Tôi cảm thấy khó chịu nhất khi đi giật lùi với HoloLens, vì không thể quay nhanh đầu ra phía sau để xem có chướng ngại vật nào không. Ngoài ra, nó cũng cản trở một phần tầm nhìn phía trên. Microsoft HoloLens: Tầm nhìn tuyệt vời về máy tính tương lai ảnh 4 Từ kiểu dáng tới chất liệu sản xuất, HoloLens đều tạo ra được cảm giác là một thiết bị cao cấp. Nó không có bất cứ một chi tiết nào bộc lộ sự “rẻ tiền” và điều này có thể sẽ được phản ánh qua giá bán sau này. HoloLens trông có vẻ phù hợp để đặt trong bất cứ văn phòng hay ngôi nhà nào. Tuy nhiên, nó vẫn dễ dàng bám bụi và vân tay, chính vì vậy có thể HoloLens sẽ không phù hợp lắm trong những môi trường nhiều bụi bẩn như công trường xây dựng. Đây cũng là một điểm Microsoft cần lưu ý để có thể đưa HoloLens tới nhiều khách hàng hơn. Trải nghiệm hình chiếu ảo qua lăng kính HoloLens Hình thực tế ảo nằm trong trải nghiệm HoloLens của tôi bao gồm hai khối cầu “nổi” trong không khí, hai dốc màu vàng cùng một số khối gạch ở phía trên một tấm giấy lót. Được gọi là Project Origami, chính vì vậy những hình ảo này được lập trình để nhìn và nghe thấy tiếng động giống như gấp giấy. Khi tôi lần lượt thêm vào những tính năng cho hình chiếu ảo, tôi đã đồng thời thêm vào các cách điều khiển (bằng giọng nói, cử chỉ và ánh mắt), âm thanh cũng như khả năng “nhặt” chúng lên, di chuyển và đặt xung quanh phòng. Cuối cùng, một “thế giới ngầm” được đặt ở phía dưới hình ảo chính, vì vậy nếu những khối cầu lăn xuống, sẽ có một vụ nổ và chúng rơi xuống một hố nằm dưới sàn. Ở bên trong hố này là một “thế giới ngầm”, với hình ảnh những đỉnh đồi và những con cò bay ngay phía dưới chân tôi. Độ phân giải của những hình ảo được chiếu trong không gian thực xung quanh tôi rất cao. Chúng trông sắc sảo, tươi sáng và đem lại cảm giác rất thật, mặc dù hơi bị giật một chút. Khi tôi đi vòng quanh, những hình ảo cũng “cư xử” như những vật thể thật; tôi có thể nhìn thấy phần phía sau của chúng hoặc không thấy nếu như bị một hình ảo khác che khuất. Khi những quả cầu rơi xuống sàn nhà, chúng lăn đi như một quả bóng, nảy lại nếu va vào các vật thể thật và trông thật đến nỗi có thể chạm tay vào nhấc lên. Khi tôi nhìn vào thế giới ngầm mở ra dưới sàn nhà, có cảm giác như tôi đang nhìn vào một thể giới mà tôi không hề biết tới sự hiện diện của nó, giống như lời người hướng dẫn trải nghiệm của Microsoft nói. Microsoft HoloLens: Tầm nhìn tuyệt vời về máy tính tương lai ảnh 5 Tuy nhiên, nhìn những hình ảo trong không gian thực mới chỉ là một phần của trải nghiệm HoloLens. Điều khiển chúng mới quan trọng. Điều khiển bằng ánh mắt của HoloLens rất nhạy, và dễ sử dụng tới mức bất kỳ ai cũng có thể làm quen với nó gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, các hình thức điều khiển khác lại gặp phải một số vấn đề nhỏ. Tính năng nhận diện giọng nói có làm việc, nhưng có một khoảng trễ giữa lúc người dùng nói xong mệnh lệnh và HoloLens thi hành nó. Tôi phải nói “Lăn đi” để khiến những quả cầu giấy bắt đầu lăn xuống dốc, và chúng mất khoảng 1 giây sau khi tôi nói xong mới có thể bắt đầu lăn. Cách điều khiển bằng cử chỉ có vẻ khó sử dụng nhất, mặc dù cử chỉ của tôi chỉ là một ngón tay vuốt xuống. Phải mất một thời gian thì tôi mới có thể tìm ra được khoảng cách chuẩn giữa đầu ngón tay và HoloLens để nó có thể nhận lệnh chính xác. Bạn hãy thử tưởng tượng một ai đó liên tục vuốt ngón tay xuống trong không khí – đó là những gì tôi đã phải thực hiện khi sử dụng cử chỉ để điều khiển HoloLens. Mặc dù vậy, một khi đã tìm ra vị trí điều khiển chuẩn, tính năng nhận diện cử chỉ hoạt động tốt hơn mong đợi. Thay vì vươn ngón tay ra như như thể tôi đang chạm vào hình ảo, cử chỉ được nhận diện chính xác nhất khi tôi để tay ở phía trước mặt một cách thoải mái. Với điều khiển bằng cử chỉ, tôi có thể lựa chọn những hình ảo của Project Origami, dùng ánh mắt để di chuyển chúng xung quanh phòng và dùng hai ngón tay kẹp lại để cố định chúng ở vị trí mới. Trải nghiệm điều khiển của HoloLens chưa đạt tới mức giống các bộ phim khoa học viễn tưởng như Minority Report, nhưng dù sao nó cũng rất ấn tượng. Trải nghiệm âm thanh của HoloLens cũng giúp đưa độ “thật” của thực tế ảo lên một tầm cao mới. Nhạc nền được bật khi hình ảo đang chạy, và khi khối cầu lăn, HoloLens tạo ra tiếng giấy vo kèm theo nó. Bước gần hơn tới hình ảo, tiếng động phát ra sẽ to dần và ngược lại, tạo ra một cảm giác về không gian tốt hơn cho người trải nghiệm. Microsoft HoloLens: Tầm nhìn tuyệt vời về máy tính tương lai ảnh 6 Đương nhiên, với màn hình trong suốt, tôi vẫn có thể nhìn thấy cảnh vật và những người xung quanh với HoloLens. Những hình ảo cũng không bị gián đoạn nếu như một ai đó tiến vào tầm nhìn của tôi. Phần mà tôi thích trong trải nghiệm đó là một lưới trắng phủ lên các vật thể ngoài thế giới thật, cho thấy rằng HoloLens đã ghi nhận chúng như thế nào. Đó là một trải nghiệm thú vị, khi thấy mọi người và mọi vật xung quanh tôi trở thành một phần của hình chiếu ảo. Nếu như bắt đầu nói chuyện với một ai đó đứng trước mặt, HoloLens sẽ tạm tắt những hình chiếu ảo. Theo đại diện của Microsoft, hình ảo vẫn có thể hiện ra ở trên những ứng dụng khác nếu được lập trình sẵn, nhưng tính năng này đã bị tắt với Project Origami. Cá nhân tôi nghĩ rằng việc đeo HoloLens khi nói chuyện với người khác khá bất lịch sự. Vấn đề lớn nhất khi xem hình chiếu ảo trên HoloLens đó là hình ảnh vẫn bị giới hạn bởi kích thước màn hình trước mắt. Bạn có thể thấy giới hạn của không gian ảo (về cơ bản là viền của khung phía trong HoloLens). Nhìn ra ngoài hoặc bước quá gần tới giới hạn này và bạn sẽ thấy những hình ảo bị cắt hoặc hoàn toàn biến mất. Hiệu ứng lưới phủ đem tới trải nghiệm sâu hơn và không thể nhìn thấy những viền nữa, nhưng nếu chỉ nhìn vào các hình ảo Origami, tôi vẫn có cảm giác rằng chúng đang tồn tại trong một không gian giới hạn. Các hình ảo trông sẽ tuyệt vời nhất nếu đứng cách xa khoảng 1,2 tới 1,5 mét. Phần mềm của chiếc kính vẫn còn một số lỗi nhỏ, nhưng nhìn chung chúng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trải nghiệm của tôi. Cần nói thêm rằng trải nghiệm thực tế với HoloLens khác xa với những gì Microsoft giới thiệu trong buổi họp báo. Những hình ảo xuất hiện trong keynote có chất lượng và độ phức tạp cao hơn rất nhiều so với những gì mà tôi được trải nghiệm. Theo Microsoft, cả phần cứng lẫn phần mềm của chiếc HoloLens mà hãng đưa cho phóng viên thử nghiệm mới chỉ ở giai đoạn phát triển đầu tiên, và chúng vẫn còn phải được cải tiến nhiều mới có thể giống như những gì mà hãng “khoe” trong buổi họp báo. Kết luận tạm thời HoloLens vẫn chưa hoàn hảo, nhưng nó vẫn đang tiếp tục được Microsoft phát triển. Nếu như hãng có thể khắc phục hết những nhược điểm, nó có thể trở thành một thiết bị giải trí tuyệt vời và thậm chí là được ứng dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau. Dù vẫn còn nhiều “hạt sạn” nhưng nhìn chung, HoloLens vẫn đem lại được cho tôi một trải nghiệm ấn tượng. Với các ứng dụng được lập trình cầu kỳ hơn, hiệu năng được cải tiến và góc nhìn được mở rộng ra, HoloLens có tiềm năng thay đổi cách mà chúng ta tương tác với Thế giới thông qua công nghệ. Đã từ rất lâu rồi, tôi mới có dịp được trải nghiệm một thiết bị độc đáo, thú vị và mang tính cách mạng như HoloLens. Mặc dù xung quanh nó vẫn còn những “dấu hỏi” như thời lượng pin và giá bán cuối cùng, nhưng nhìn chung HoloLens dường như vẫn có tiềm năng vô hạn khi mở ra một Thế giới ảo mới trước mắt người dùng.

Quang Huy