Tin mới

Kính viễn vọng ảo Horizon đã chụp ảnh hố đen Sagittarius A*

Các chuyên gia thuộc dự án Kính viễn vọng ảo Horizon vừa chụp ảnh hố đen Sagittarius A* trong 5 ngày liên tục, quá trình này vừa kết thúc vào ngày 11/4.

Kính viễn vọng ảo Horizon đã chụp ảnh hố đen Sagittarius A*  ảnh 1 Ảnh minh họa (không phải ảnh chụp thật của hố đen). Nguồn: Getty Images / Thư viện Ảnh khoa học RF.

Nói đúng ra là nhóm nghiên cứu "có thể đã chụp được bức ảnh đầu tiên về một hố đen". Tức là quá trình chụp đã hoàn tất và họ đang tiến hành các tác vụ xử lý hậu kỳ tập dữ liệu ảnh kỹ thuật số khổng lồ. Trong quá trình ghi hình ảnh, đã có những đêm khi họ phải dừng quan sát do thời tiết xấu hoặc vì trục trặc hệ thống, nhưng cuối cùng công đoạn này đã kết thúc vào lúc 11:22 ngày 11/4 theo giờ ET.

Theo Engadget, mặc dù thu thập thành công dữ liệu ảnh hố đen trong vài ngày qua nhưng nhóm nghiên cứu sẽ phải mất thêm nhiều tháng tiếp theo để tự hỏi liệu họ có thực sự chụp được bức ảnh đầu tiên của một hố đen hay không. Bởi vì mỗi đài quan sát tham gia mạng lưới kính viễn vọng ảo Horizon sản xuất khoảng 500TB dữ liệu và lưu trong 1.024 ổ cứng. Có tổng cộng 8 đài quan sát và lượng dữ liệu cần xử lý là khổng lồ, kể cả siêu máy tính cũng phải mất nhiều ngày mới xử lý xong.

Một thành viên trong nhóm nghiên cứu - Heino Falcke đến từ Đại học Radboud ở Nijmegen (Hà Lan) cho biết: "Ngay cả khi những hình ảnh đầu tiên vẫn còn tồi tệ, họ đã có thể kiểm tra một số dự đoán cơ bản về lý thuyết lực hấp dẫn của Einstein trong môi trường khắc nghiệt của một hố đen. Bức ảnh sẽ biến hố đen từ một đối tượng huyền bí sang một cái gì đó cụ thể mà chúng ta có thể nghiên cứu".

Kính viễn vọng ảo Horizon là sự kết hợp của một loạt các đài quan sát vô tuyến mạnh trên khắp thế giới. Khi chúng kết nối với nhau, sử dụng kỹ thuật ghép hình giao thoa, các nhà khoa học sẽ có một kính viễn vọng ảo đường kính lớn tới 6.200 miles (9.978km).

>> Tháng 4/2017 sẽ có bức ảnh hố đen đầu tiên

Các dữ liệu của dự án Kính viễn vọng ảo Horizon được vận chuyển bằng máy bay tới Đài quan sát Haystack của MIT ở Massachusetts (Mỹ) và Viện Thiên văn Vô tuyến Max Planck ở Bonn (Đức). Cả hai phòng thí nghiệm này đều có các siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay.

Việt Đức / Engadget