Tin mới
Bphone 4: Trải nghiệm không giới hạn liệu đã đủ để thành công?
Slogan mới của Bphone là “trải nghiệm không giới hạn” mang theo nhiều khát vọng của CEO Nguyễn Tử Quảng cho đứa con tinh thần ở thế hệ thứ 4, nhưng Bphone cần nhiều hơn thế để thành công.
Cuộc đua kỷ nguyên trải nghiệm trong lĩnh vực công nghệ
CES 2020 chứng kiến rất nhiều những công nghệ mới, đột phá đến từ các ông lớn công nghệ toàn cầu ở mọi lĩnh vực khác nhau. Tất cả đều hướng tới một thông điệp chung là mở ra kỷ nguyên trải nghiệm cho người dùng. Vì thế, các thiết kế và công nghệ đều được tối ưu hóa, học hỏi từ thói quen và phát triển dựa trên nhu cầu của người dùng từ smartphone, tivi, thiết bị gia dụng, thiết bị y tế, smarthome.... Đó là lý do vì sao mà Bphone mới chọn Slogan “trải nghiệm không giới hạn”. Tuy nhiên, việc chọn Sologan mới không đơn thuần chỉ là để hợp thời mà còn thể hiện tuyên ngôn thiết kế mới của Bphone 4. Những hé lộ trước đó cho thấy, Bphone mới sẽ tập trung nhiều vào công nghệ nhiếp ảnh mà CEO Nguyễn Tử Quảng gọi là nhiếp ảnh điện toán trong bối cảnh các ông lớn nước ngoài đang đẩy cuộc đua này lên tầm “khốc liệt” về số lượng camera và độ phân giải.
Nhiếp ảnh điện toán sẽ là một vũ khí của Bphone 4
Ngoài ra, Bphone mới vẫn sẽ duy trì ngôn ngữ thiết kế từ các thế hệ trước với vẻ ngoài sang trọng, thiết kế tràn đáy, không tai thỏ, đi kèm nhiều tính năng hấp dẫn như công nghệ điều khiển cử chỉ toàn diện Full Gesture, công nghệ bảo mật…Bphone mới nhiều khả năng cũng có 3 phiên bản khác nhau gồm Bphone tiêu chuẩn, Bphone Pro và Bphone Lite giống như các iPhone hay dòng Galaxy S của Samsng trước đó.
Bphone 4 nhiều khả năng vẫn mang ngôn ngữ thiết kế sang trọng, vuông vức
Trải nghiệm không giới hạn chỉ là một yếu tố để Bphone 4 có thể thành công
Dựa trên những gì được tiết lộ, Bphone 4 không quá đặc sắc so với mặt bằng công nghệ hiện tại. Do đó, muốn thành công, Bphone 4 trước hết phải chứng minh đã thực sự đạt tới “đẳng cấp” trải nghiệm không giới hạn. Tuy nhiên, quan trọng hơn, Bphone phải khắc phục triệt để những hạn chế ở giai đoạn trước đó. Đặc biệt là vấn đề giao hàng đúng hẹn. Từ thế hệ đầu tiên tới thế hệ thứ 3, dù đã rút ngắn được thời gian delay nhưng Bphone 3 vẫn chưa thể giao hàng đúng hẹn cho người dùng. Điều này cho thấy cả những vấn đề trong tổ chức sản xuất, dự đoán thị trường, phân phối sản phẩm Bphone ở những giai đoạn trước chưa ổn. Nhất là ở thời điểm ngay sau khi máy ra mắt và bước vào giai đoạn đặt hàng-giao hàng lần đầu.
Việc chọn đúng phân khúc là bài toàn hàng đầu đối với Bphone
Nhưng việc đánh giá mình phù hợp ở phân khúc nào nhất có lẽ sẽ là yếu tố quyết định cho thành công của Bphone. Nhìn vào lịch sử giá các thế hệ trước cho thấy, Bphone vẫn loay hoay trong việc chọn đúng phân khúc của mình. Bphone đầu tiên (2015) rẻ nhất cũng 9,99 triệu đồng và đắt nhất lên tới 20,19 triệu đồng. Bphone thứ 2 (2017) có giá 9,789 triệu đồng, riêng bản Gold có cấu hình cao hơn chỉ bán ở nước ngoài. Bphone 3 (2018) bản tiêu chuẩn là 6,99 triệu còn bản Pro là 9,99 triệu. Đó có thể là lý do Bphone 4 cần tới 3 phiên bản để bao trọn các phân khúc: giá rẻ (bản lite), tầm trung (bản tiêu chuẩn) và cao cấp (bản Pro). Nhưng dù có mặt ở cả 3 phân khúc thì Bphone cũng sẽ phải cần giải bài toán nên lấy phân khúc nào là mặt trận chủ đạo. Nhìn vào chính Bphone và nhìn ngay sang Vsmart thì thấy lúc này điện thoại Việt rất khó đánh bại được các đối thủ ở phân khúc cao cấp, thậm chí là ở tầm trung cận cao cấp. Do đó, Bphone có lẽ nên chú trọng tới phân khúc giá rẻ và tầm trung, nhất là ở phân khúc từ 5 triệu đồng trở xuống. Phân khúc này hiện chiếm gần 70% thị phần điện thoại Việt.
Người Việt mong muốn Bphone sẽ thành công
Theo dự kiến khoảng 1 tuần nữa, Bphone sẽ ra mắt và hy vọng Bphone sẽ khắc phục được những tồn tại lịch sử để trở thành một thương hiệu smartphone Việt thành công.