Một nghiên cứu của Đại học Y Mayo Clinic (Mỹ) chỉ ra rằng, khoảng 10% người dùng Apple Watch bị chẩn đoán mắc bệnh tim sau khi nhận kết quả đo nhịp tim từ chiếc đồng hồ này.
Nhóm nghiên cứu đã thống kê hồ sơ của bệnh nhân sử dụng Apple Watch để chẩn đoán sức khỏe tại văn phòng của Mayo Clinic ở các bang Arizona, Florida, Wisconsin và Iowa từ tháng 12/2018 đến tháng 4/2019. Đây là khoảng thời gian Apple giới thiệu tính năng phát hiện nhịp tim bất thường trên smartwatch của mình.
Theo đó, có 41 người đến bệnh viện sau khi được Apple Watch cảnh báo các triệu chứng, bao gồm choáng váng hoặc đau ngực. Tuy nhiên, chỉ có 30 người được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tim. Nghiên cứu kết luận, hầu hết kết quả mà cảm biến theo dõi nhịp tim của Apple Watch cảnh báo đều là “giả”. Dù bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, những cảnh báo giả có thể khiến họ căng thẳng, lo lắng, thậm chí sinh bệnh.
Không chỉ Apple, hầu hết các hãng smartwatch hiện nay đều có tính năng đo nhịp tim, cũng như đo nồng độ ôxy trong máu, đo điện tâm đồ... Các sản phẩm đồng hồ thông minh được cho là đang làm mờ ranh giới giữa các thiết bị y tế được nghiên cứu nghiêm ngặt và các công cụ chăm sóc sức khỏe.
Một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho rằng các smartwatch chỉ nên đóng vai trò theo dõi, chưa thể làm nhiệm vụ chẩn đoán bệnh. Với hàng triệu người sử dụng, rất có khả năng hàng nghìn người phải đến bệnh viện sau những cảnh báo giả từ các thiết bị như vậy. Điều này gây tốn kém cho bệnh nhân và hệ thống y tế, cũng như làm mất thời gian của bác sĩ và người bệnh một cách không cần thiết.
Dù vậy, Apple Watch đã từng “ghi điểm” trong thời gian qua khi nhiều lần cứu sống con người. Đơn cử như việc smartwatch này phát hiện chủ nhân bị ngã và gửi thông báo đến người thân, đơn vị cứu hộ để cấp cứu kịp thời; cứu bé 13 tuổi vì nhịp tim bất thường; hỗ trợ một số người cao tuổi; hay phát hiện ra bất thường trong nhịp tim của nhiều người dùng.
theo The Verge
Ngân Anh